Cảnh Báo cho Khách Hàng Start-Up Visa: Đầu Tư Chiều Sâu vào Dự Án, Đừng Phó Mặc May Rủi!
Một ví dụ cụ thể là một dự án gần đây mà mình xem qua phần báo cáo cập nhật hàng tháng. Nội dung chủ yếu là gửi email chào hàng cho các công ty tại Canada. Tuy nhiên, làm PR không phải là một báo cáo thực tập sinh viên mà có thể làm sơ sài! Dưới đây là các điểm yếu mình nhận thấy trong báo cáo của dự án này:
-
Email chào hàng gửi đến các địa chỉ công khai, thiếu tính chọn lọc và chiến lược
Các bạn gửi email đến các địa chỉ công khai như info@... hoặc customerservice@... và đếm số lượng email gửi đi để báo cáo số liệu! Đây là một cách tiếp cận lười biếng, hời hợt, không có mục tiêu cụ thể và không hướng đến những cá nhân có quyền quyết định. Khả năng nhận được phản hồi với cách làm này là gần như bằng không. Cách làm này chẳng khác gì các báo cáo của sinh viên thực tập, và chắc chắn IRCC sẽ nhìn ra sự thiếu chuyên nghiệp này.
Vậy đâu là cách tiếp cận đúng? Thay vì gửi email đến các địa chỉ công khai, cần nghiên cứu kỹ lưỡng đối tác tiềm năng, tìm hiểu nhu cầu của họ và liên hệ trực tiếp đến những người có khả năng ra quyết định trong công ty. Một dự án nghiêm túc phải thể hiện nỗ lực xây dựng mối quan hệ chiến lược, không chỉ đơn giản là số lượng email gửi đi. Đây là chiều sâu và tính chuyên nghiệp mà IRCC mong đợi ở một dự án Start-Up Visa.
-
Thiếu sự khác biệt và tính phát triển trong sản phẩm công nghệ
Báo cáo và thư chào hàng không nêu bật được bất kỳ sự khác biệt nào của sản phẩm hay công nghệ. Dự án chỉ là một sản phẩm có sẵn trên thị trường, không có gì mới mẻ hay nổi bật. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, sản phẩm cần phải thể hiện được tính mới lạ hoặc khả năng cải tiến để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Báo cáo không cung cấp bất kỳ thông tin nào về việc nâng cấp hay phát triển tính năng, điều này càng làm giảm độ tin cậy và tính thuyết phục của dự án.
Trước những yêu cầu ngày càng khắt khe từ phía di trú, dự án Start-Up Visa không phải là nơi để thử nghiệm những chiến lược qua loa, hời hợt. Để đạt thành công trong việc xin PR, một dự án không chỉ cần có ý tưởng mà còn phải thể hiện rõ sự chuyên nghiệp và chiều sâu trong từng báo cáo cập nhật. IRCC không phải là nơi dễ qua mặt, và họ sẽ đánh giá kỹ lưỡng từng chi tiết để đảm bảo dự án là thật và có tiềm năng phát triển lâu dài.
Đây chỉ là ví dụ rất nhỏ nhưng dễ hiểu cho thấy tầm quan trọng của cách làm việc có chiều sâu, chưa kể đến những phần phức tạp khác trong báo cáo mà dự án cần phải chú ý.
Với những khách hàng chưa có kinh nghiệm, mình khuyên hãy luôn đặt câu hỏi: “Dự án của bạn có đủ chiều sâu và thuyết phục không?” Nếu chỉ làm qua loa và thiếu trách nhiệm, thì không chỉ dự án bị ảnh hưởng mà tương lai định cư của bạn cũng đang gặp rủi ro lớn.
Các bạn muốn trao đổi sâu hơn về dự án Start-Up Visa? Đặt hẹn gặp mình tại Hà Nội và Sài Gòn trong tháng 11 nhé.
Jenny Thuỷ Đặng