Phân tích pháp lý: bãi bỏ hạn chế đời thứ hai trong quyền quốc tịch Canada và những hệ lụy
Bộ di trú vừa tuyên bố chính thức, nói về việc không kháng cáo quyết định của tòa án liên quan đến giới hạn "thế hệ đầu tiên" trong việc truyền quốc tịch Canada do huyết thống.
Dưới đây là bài phân tích mà Tiến sĩ, Luật sư Phan Thành viết gởi cho chúng tôi:
Ngày 19 tháng 12 năm 2023 Toà Superior Court of Justice của Ontario đã ra phán quyết về tính vi Hiến của Điều 3(3)(a) của Luật Quốc tịch Canada trong vụ án do Bjorkquist và các đương sự kiện Chính phủ Liên bang. Điều 3(3)(a) Luật Quốc tịch quy định là một người sinh ở nước ngoài là con của người Canada sinh tại nước ngoài sẽ không đương nhiên có quốc tịch Canada nếu người bố mẹ đó được ông bà sinh ra ngoài Canada và có quốc tịch là do ông bà là người được sinh ra tại Canada (sau đây gọi là quy định hạn chế đời thứ hai). Toà án đã phán quyết là điều luật này vi phạm Điều 15 về quyền bình đẳng trong Hiến Chương về quyền con người Canada. Hiến chương này là một phần của Hiến Pháp năm 1982.
Theo Hiến pháp của Canada thì quyền bình đẳng và một số quyền cơ bản khác như quyền tự do ngôn luận hay tự do tôn giáo không phải quyền tuyệt đối. Điều 1 của Hiến Pháp năm 1982 cho phép một số đạo luật nếu đáp ứng được các điều kiện nhất định thì có thể hạn chế những quyền cơ bản đó. Tuy nhiên, Toà án trong vụ án Bjorkquist đã cho rằng quy định hạn chế đời thứ hai đã vi phạm quyền bình đẳng nhưng không vượt qua được sự cho phép của Điều 1 cho nên đã Vi hiến và do đó không có hiệu lực. Ngoài một số nội dung kỹ thuật và pháp lý khác, Toà án cũng đã tuyên một số đương sự là công dân Canada do quy định hạn chế đời thứ hai là vô hiệu đối với họ.
Chính phủ Liên bang có thể sẽ kháng cáo lên Toà Phúc thẩm tỉnh Ontario nhưng phán quyết này đã đem lại nhiều điểm khá thú vị. Nó giúp cho nhiều người Canada sinh tại nước ngoài không phải lo việc cháu mình khi sinh ở nước ngoài sẽ không đương nhiên có quốc tịch Canada. Tuy nhiên phán quyết này cũng có thể dẫn đến nhiều hệ quả và tranh luận trong nội bộ người Canada.
Thứ nhất, phán quyết này mở cánh cổng cho việc người Canada sinh ra ở nước ngoài nhiều đời vẫn có quốc tịch Canada mặc dù những đời đó không còn mấy gắn kết với Canada nữa. Canada là một nước đa sắc tộc và phần lớn dân số là người nhập cư. Do đó sự gắn kết giữa công dân Canada và đất nước này phần lớn là dựa trên việc họ di cư đến để học tập và sinh sống tại đây. Việc mở rộng phạm vi người có thể có quốc tịch Canada đến cả những người chưa từng sinh sống hay có quan hệ gì với đất nước này có thể sẽ khiến nhiều người dân không đồng tình với phán quyết trên của Toà án.
Thứ hai, những nước cho phép có hai quốc tịch như Việt Nam có thể sẽ phải xem xét lại chính sách của họ nếu như quá nhiều công dân sinh sống trên đất nước của họ lại có quốc tịch nước khác. Điều này sẽ ảnh hưởng tới an ninh chính trị của các quốc gia đó. Do vậy các chính sách phản ứng của các quốc gia trên có thể sẽ gây phiền hà cho những người đang được hưởng lợi do việc có hai quốc tịch.
Thứ ba, việc bãi bỏ hạn chế đời thứ hai có thể dẫn tới việc sẽ có nhiều người Canada chưa từng sinh sống tại đây khi trẻ nhưng khi già họ sẽ về Canada để hưởng chế độ y tế và có thể gây quá tải hệ thống an sinh xã hội.
Toà Phúc thẩm có thể sẽ có những đánh giá riêng về việc áp dụng Điều 1 của Hiến pháp vào vụ việc này. Ngoài ra, nếu vụ việc sau đó tiếp tục được kháng cáo thì có phần tỷ lệ nhỏ khả năng vụ việc có thể được Toà Tối cao Liên Bang của Canada sẽ xem xét vụ việc này. Hiệu lực của bản án và tiến trình kháng cáo sẽ được cập nhật.
-
Chuyên ngành: Business Immigration, Corporate, Commercial, Employment, và Commercial Real Estate law.
-
Học vấn: PhD luật (University of Victoria, 2018), LL.M. (York University, Osgoode Hall Law School, 2021), LL.M. (Nagoya University, 2013), LL.B. (Hanoi Law University, 2004).
-
Thành viên: Canadian Immigration Lawyers Association, Canadian Bar Association, The Federation of Asian Canadian Lawyers (British Columbia).
-
Nơi giảng dạy: Immigration and Citizenship tại Queen’s University Faculty of Law và University of Victoria.